Welcome To Talentnetwork

Join Our Talent Network

Talent Network là gì?

Gia nhập Talent Network của chúng tôi sẽ giúp bạn nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm. Cho dù bạn ứng tuyển một công việc nào đó hoặc đơn giản là cập nhật thông tin của mình, chúng tôi cũng luôn mong muốn được kết nối cùng bạn.

Vì sao bạn nên gia nhập Talent Network?

  • Nhận thông báo việc làm mới phù hợp với sự quan tâm của bạn
  • Cập nhật các thông tin mới nhất về công ty
  • Chia sẻ cơ hội việc làm với gia đình, bạn bè thông qua mạng xã hội hoặc email

Hãy gia nhập Talent Network của chúng tôi ngay hôm nay!

BIM Care lên núi: để yêu thương lan tỏa từng dốc đứng quanh co

Cứ 10 hộ dân ở xã Niêm Tòng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) thì có 8 hộ nghèo. Những em bé trong xã hàng ngày đi bộ 16km đến lớp nằm sâu trên núi. Cuối tuần qua, đại diện BIM Group đã có chuyến đi tặng quà kết hợp tìm hiểu thực tế nơi đây, nhằm chuẩn bị cho hành trình tiếp theo của BIM Care.

Tờ mờ sáng thứ Năm ngày 24/11, Hà Nội đột nhiên trở lạnh, mưa phùn từ sáng sớm. Chiếc xe 16 chỗ gắn logo Syrena Cruise quen thuộc dừng trước cửa văn phòng Tập đoàn tại 44 Yên Phụ. “Đoàn hành quân” gọn nhẹ gồm 4 thành viên Ban Marcom, 3 thành viên phòng Hành chính và 1 đại diện BIM Design. Đúng 6 giờ, xe xuất phát. Điểm đến cuối hành trình, dự kiến kéo dài 10 tiếng đồng hồ, là xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – chấm nhỏ xa lắc nằm gần biên giới phía Bắc dải đất hình chữ S.

Đêm đầu tiên ở cao nguyên đá

Huyện Mèo Vạc có diện tích 574,18 km², dân số năm 2019 là 86.071 người, mật độ dân số đạt 150 người/km². Huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung có điều kiện tự nhiên đầy thách thức, địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh, độ dốc cao, hệ thống sông suối ít, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 thường gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống tới 2oC.  Bởi vậy, Mèo Vạc là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mèo Vạc là 64,04%; hộ cận nghèo chiếm tỉ lệ 11,3%. Trong đó Niêm Tòng là một trong những xã khó khăn nhất của Mèo Vạc. Tới nay, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân phân bổ trong 8 thôn nhưng có tới 811 hộ nghèo và còn 3 thôn chưa có điện lưới.

Thôn Nà Pinh ở độ cao 1.000m

Thôn Nà Pinh ở độ cao 1.000m

16 giờ, xe lên đến Niêm Tòng. Đón chúng tôi là cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường mầm non xã. Cô giáo có vóc người nhỏ bé, người dưới xuôi nhưng gắn bó với vùng cao cả chục năm. Chỉ lên tấm bảng treo trong phòng làm việc, cô nói: “Trường chúng em có đến hơn 500 học sinh chị ạ.” Để hiểu ý nghĩa con số này, phải nói thêm một chút về mô hình giáo dục tại các tỉnh miền núi. Với đặc điểm địa hình chia cắt, dân cư phân tán, đi lại khó khăn, trước đây để phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, các điểm trường, lớp ghép được hình thành. Ví dụ trước năm 2016, tỉnh Hà Giang có tới 1.183 điểm trường tiểu học ở những thôn xa trung tâm. Mô hình quản lý thường là 1 trường chính ở trung tâm xã “cõng” khoảng hơn 10 điểm trường. Giải quyết được nhu cầu dạy và học nhưng gây nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, quản lý chất lượng…, nên 5-6 năm gần đây, các tỉnh có xu hướng quy hoạch để giảm điểm trường. Tại Hà Giang, các con từ lớp 3 trở lên đã được đưa về học tập trung tại các trường nội trú, mạng lưới điểm trường chỉ còn dành cho hệ mầm non và các con lớp 1-2.

Điểm trường Nà Pinh, một trong 12 điểm trường mầm non xã Niêm Tòng, cũng là mục tiêu của chuyến khảo sát lần này

Điểm trường Nà Pinh, một trong 12 điểm trường mầm non xã Niêm Tòng, cũng là mục tiêu của chuyến khảo sát lần này

Trường mầm non xã Niêm Tòng có tới 12 điểm trường phân bổ tới từng thôn, trong đó những điểm xa nhất cách trường tới 14km (như Nà Pinh, Po Qua…). Phải nói thêm, 14km đường núi đa phần đường đất (Niêm Tòng là xã có tỷ lệ đường bê tông hóa thấp nhất huyện Mèo Vạc), vào những ngày mưa gió có thể mất tới 2 tiếng để di chuyển. Tất cả 27 thầy cô (gồm cả ban giám hiệu và cấp dưỡng), trong đó có hơn nửa là người dưới xuôi lên, chia nhau “cắm bản” để chăm lo cho gần 550 em nhỏ. Cô giáo Nông Thị Lan, vừa mặc áo mưa vừa nói, “Em phải xin phép về sớm vì 4 tháng nay mới được về thăm nhà.” Cô sẽ đi xe máy từ bản về trung tâm huyện cách đó 30km đường núi để bắt xe khách. Hôm nay là thứ Sáu, mất gần 1 ngày để về được nhà mà thứ Hai cô lại có mặt tại trường.

Đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ tại một nhà sàn lưu trú cách trường 7km. Nửa đêm nằm nghe tiếng mưa và sấm đì đùng, tất cả im lặng miên man nghĩ về quãng đường lên bản ngày mai. Nghĩ thế thôi, 6 giờ sáng, tất cả lại hăm hở đến điểm trường Nà Pinh. Đi cùng chúng tôi có Chủ tịch xã, đại diện Công an xã, Mặt trận Tổ quốc và các cô giáo trường mầm non... Ai cũng bảo “Khổ thân quá đi đúng ngày mưa gió.” Tôi trả lời, “Các anh chị ở trên này suốt, chúng em chỉ đi có 1-2 ngày, làm sao đã gọi là khổ.”

“Đoàn hành quân” với áo mưa, dép tổ ong lên đường tới điểm trường Nà Pinh.

Dốc đứng quanh co, điểm trường bé nhỏ

Đoàn được ưu tiên di chuyển bằng thuyền nên rút ngắn quãng đường đi bộ. Từ bến, chúng tôi bám theo nhau thành hàng một dọc con đường đất chiều ngang chưa đầy 1m, trơn tuột, dốc đứng quanh co kéo dài tầm 2km, đến gần lưng chừng núi thì thấy bản. Lúc này mới thấy quyết định thay giày thể thao bằng dép nhựa “tổ ong” quả là hợp lý.

Giữa đường gặp một đoàn các mẹ các chị váy xếp xanh đỏ rung rinh theo từng bước chân, vừa đi vừa cười nói rôm rả. Hỏi đi đâu đấy, “đi lấy quà”. Đấy là tôi được dịch thế, cô giáo và bà con thì nói chuyện với nhau bằng tiếng H’Mong. Bà con được nhờ xuống giúp chúng tôi bê hàng hóa. “Đủ rồi, nhiều quá”, cô giáo cười nói vậy khi thấy thêm mấy tốp nữa đi xuống. Cảm giác cả bản biết chúng tôi đến thăm. Đúng là “nhiều quá” thật vì chúng tôi chỉ mang theo gần 10 thùng lên, số còn lại gửi dưới trường chính nhờ các cô chia cho các điểm trường khác.

Trời mưa, dốc trơn trượt và không có ủng, dép tổ ong được dịp phát huy giá trị của “đôi dép quốc dân”

Bà con cười nói rôm rả, hỗ trợ đoàn mang quà tặng lên tới điểm trường

Điểm trường mầm non Nà Pinh có 1 thầy giáo (giáo viên nam duy nhất trong số 23 giáo viên của trường) và hơn 30 học sinh, nằm sát vách điểm trường tiểu học cũng chỉ có 1 cô giáo và gần 15 học sinh. Thầy giáo Nông Văn Thuyên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, công tác ngành mầm non được 12 năm. Vợ thầy cũng thuộc biên chế trường nhưng cắm bản khác. Sau chương trình Việc Tử Tế VTV1 phát sóng cuối tháng 10 vừa qua, thầy trở nên nổi tiếng rồi, nhưng có vẻ thầy… không biết. Thầy xách nước cho chúng tôi rửa chân rồi cứ đứng một bên nhìn mọi người nói chuyện, thỉnh thoảng cười hơi ngượng nghịu khi được hỏi.

Khi chúng tôi tới, các con đang giờ học. Trong lúc thầy giáo bận tiếp khách, các con ngồi nghiêm ngắn trên ghế, lần lượt được bạn lớp trưởng gọi lên đọc bảng chữ cái. Tôi hỏi, “Con là lớp trưởng à?”, gật, “Con học giỏi nhất à?”, gật, “Ngoan nhất à?”, gật. “Giọng thầy quen rồi thì các con hiểu, còn khách đến hỏi chuyện các con chưa hiểu đâu”, thầy Thuyên giải thích. Chúng tôi mở thùng quần áo mặc cho các con. Bọn nhỏ vẫn bẽn lẽn rụt rè, nhưng bắt đầu nhìn nhau mặc áo cười thích thú. Xong xuôi, tất cả tản ra từng nhóm về nhà ăn trưa, vừa đi vừa chuyện trò ra chừng vui lắm, tất nhiên bằng ngôn ngữ của mình. Cùng trong thôn nhưng có những con nhà cách trường chừng 4km, hầu hết đều tự đi bộ. “Nghĩa là mỗi ngày con đi bộ 16km đấy chị ạ”, thầy Thuyên chia sẻ. Hiện nay, nhà nước hỗ trợ suất ăn trưa cho các con mức 160.000 đồng/tháng. Do đa số các điểm trường đều không có điều kiện tổ chức nấu ăn tập trung nên tiền được gửi cho gia đình, trưa các con về ăn, chiều quay lại học tiếp.

Thầy giáo mầm non Nông Văn Thuyên (áo hồng), “người nổi tiếng” theo cách nói vui của bà con sống gần điểm trường Nà Pinh

Những ánh mắt ngơ ngác, hồn nhiên, của các bạn nhỏ khi gặp người lạ…

…trở thành nụ cười thật tươi khi có áo mới và bánh kẹo.

Đoàn khảo sát trao phần quà nhỏ gồm áo ấm, sữa tươi, bánh kẹo tới thầy và trò điểm trường mầm non Nà Pinh

Lời hẹn BIM Care

Trên suốt quãng đường về, tôi có một băn khoăn khó diễn tả. Làm cách nào để các chương trình hỗ trợ cộng đồng chạm được đến từng người dân, từng điểm trường, không chỉ đủ mà còn phải công bằng? Hỗ trợ xây một con đường bê tông 3km giữa hàng trăm km đường đất có ý nghĩa không? Làm sao để bữa ăn của các con được đầy đủ hơn khi các con chủ yếu sinh hoạt cùng gia đình? Làm sao để xóa các điểm trường “bốn không”?

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND Huyện Mèo Vạc là ông Ngô Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND Huyện và anh Bùi Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục Huyện. “Huyện còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức và cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Trung ương cũng như nhiều đoàn thể khắp cả nước”, anh Thư cho hay. Vừa mới đây, Huyện được trường PTLC Marie Curie Hà Nội tài trợ đào tạo trực tuyến tiếng Anh cho tất cả các con nội trú theo chương trình giáo dục mới 2018. Chiều hôm đó và sáng hôm sau, Huyện liên tiếp có lịch đón các đoàn lên tặng quà cuối năm. Mọi người ai cũng vui.

Bà Vũ Thanh Thủy – Trưởng ban Marcom và bà Đào Thanh Hương – Ban Chấp hành Công đoàn BIM Group trao quà lưu niệm tới ông Ngô Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND Huyện Mèo Vạc, đánh dấu mốc khởi đầu của chương trình BIM Care tại vùng cao

Còn tôi nhớ mãi câu nói của cô giáo Hiền, Hiệu phó mầm non Niêm Tòng. Trong cả hai lần tạm biệt, khi tôi nói “Hẹn gặp lại nhé”, cô đều cười và nói, “Liệu có lần sau không!”. Còn cô Mai Hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại, “Lần sau phải tổ chức giao lưu, nhảy sạp nhé, người vùng cao ở đây buồn lắm nên quý nhất là khách đến thăm.”

Chuyến đi 3 ngày lần này mới chỉ để tận mắt thấy và phần nào hiểu những gì vốn chỉ thấy trên báo chí, truyền hình. Chúng tôi còn ấp ủ nhiều dự định nữa. Cứ đi từ nhỏ đến lớn, từ một vùng lan tỏa các địa phương. Người BIM vốn vẫn thế, nói ít làm nhiều. Nhưng chúng tôi nhất định sẽ quay lại! 

 

Tổng hợp quà tặng đợt 1 (11/2022)

-        100 bộ chăn mùa đông, 100 đệm ấm tặng học sinh dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc

-        52 áo khoác trẻ em, 27 bộ áo dài, áo sơ mi cho thầy cô, sách, truyện và nhu yếu phẩm như sữa, bánh kẹo, ruốc, thịt chưng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm… cho trường mầm non xã Niêm Tòng cùng các điểm trường.

Kết nối với BimGroup

 

Cảm ơn bạn gia nhập mạng lưới nhân tài của chúng tôi,

Bằng cách tham gia mạng lưới nhân tài của chúng tôi, bạn chưa thực sự ứng tuyển vào các vị trí tuyển dụng.

Hãy ứng tuyển ngay để trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí tuyển dụng của chúng tôi hoặc tiếp tục cập nhật hồ sơ.